Ứng dụng nhiều công nghệ cơ khí chế tạo mới

Thứ năm - 17/11/2016 20:17

Ứng dụng nhiều công nghệ cơ khí chế tạo mới

Chương trình cơ khí chế tạo KC.05/06-10 là chương trình KH – CN trọng điểm cấp Nhà nước. Trong quá trình thực hiện từ năm 2006 – 2010, chương trình đã đem lại những thành công ấn tượng.

Nhiều đề tài nghiên cứu phát triển công nghệ cơ khí chế tạo đã được nghiệm thu và ứng dụng thực tiễn. Do đó, trong giai đoạn 2011 - 2020, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam được xác định tiếp tục cần hiện đại hóa, trong đó lấy KH – CN làm trọng tâm.

Qua 5 năm thực hiện, nhiều nhiệm vụ KH-CN đã được Ban chủ nhiệm tuyển chọn, đề xuất đưa vào chương trình như: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị cho Nhà máy nhiệt điện 600MW; trạm thủy điện 20MW; nhà máy xi măng 1 triệu tấn/năm; tàu chở dầu 100 ngàn tấn…

Hầu hết các sản phẩm của đề tài, dự án trong chương trình là sản phẩm mới có tính năng kỹ thuật, kiểu dáng và đều có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như: máy vớt bèo, cắt rong, cỏ dại dưới nước; máy CNC sản xuất bê tông cốt thép kích thước lớn; hệ thống thiết bị sản xuất các tinh dầu, dầu gia vị; xe cần cẩu bánh xích 100 tấn; hệ thống thiết bị hàn tự động nối ống có đường kính lớn ở trạng thái không quay; máy cắt vật liệu cứng bằng tia nước áp lực cao điều khiển CNC; máy đo tọa độ 3D; máy dập cắt vật liệu điều khiển CNC trong ngành giầy dép...

Bên cạnh đó, chỉ tiêu về sở hữu trí tuệ, cho đến nay, 12% nhiệm vụ có giải pháp được công nhận sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, 19% số nhiệm vụ đã được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp.  Chỉ tiêu về đào tạo: 50% số dự án, đề tài có tham gia đào tạo tiến sỹ hoặc thạc sỹ.

Nhìn chung, mặc dù còn 4 dự án, đề tài mới nghiệm thu cấp cơ sở và gần một nửa tổng số đề tài chưa kết thúc nhưng so với giai đoạn 2001 - 2005 thì các nhiệm vụ KH-CN của giai đoạn 2006 - 2010 có độ phức tạp và yêu cầu về trình độ KH-CN đòi hỏi cao hơn, vì vậy có 4 đề tài phải xin dừng thực hiện. Các đề tài còn lại đều hứa hẹn có kết quả tốt cả về giá trị KH-CN lẫn giá trị kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ số dự án/tổng số đề tài-dự án của Chương trình KC.05.06-10 trong giai đoạn 2006 - 2010 (06/26; 23%) ít hơn Chương trình KC.05 của giai đoạn 2001 - 2005 (14/43; 33%). Nguyên nhân là do giai đoạn 2006 - 2010 đòi hỏi vốn đối ứng và các điều kiện tài chính ngặt nghèo hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng không thiết tha chủ trì các dự án sản xuất vì độ rủi ro cao, thủ tục tuyển chọn, đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị phức tạp, không đáp ứng được nhu cầu của sản xuất và thị trường. trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà nước không đáng kể (hỗ trợ 30% và lại thu hồi 80% kinh phí cấp thực hiện).

Trong giai đoạn 2011 - 2020, cơ khí chế tạo được xác định giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Để khẳng định vai trò đó, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng KH-CN đảm bảo cho phát triển nhanh, bền vững.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực KH-CN trình độ cao, kiến thức hiện đại cho ngành cơ khí chế tạo Việt Nam bằng cách Nhà nước cử sinh viên, nghiên cứu sinh, công nhân kỹ thuật đi học nước ngoài một cách đồng bộ. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí đào tạo đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm mới. Tăng cường tiềm lực nghiên cứu phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp cơ khí.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư sản xuất và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy; tạo điều kiện cho các hội KH-CN ngành nghề có kinh phí để thẩm định thông tin, giúp đỡ, hoàn thiện các sáng kiến, sáng chế của nông dân, công nhân; khuyến khích các doanh nghiệp chủ trì các dự án sản xuất. Đẩy nhanh quá trình “tích tụ vốn” đối với doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH-CN ngành cơ khí chế tạo.

Tổng số điểm của bài viết là: 9890 trong 4108 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn